1. Bệnh sán lá gan là gì?
Sán lá gan (Liver Fluke) là bệnh nhiễm ký sinh trùng mãn tính ở đường mật khi vật chủ chính (kể cả người và động vật ăn cỏ) ăn hoặc uống phải thực phẩm có sán lá. Có hai họ sán lá gan gây bệnh ở người: Opisthorchiidae (bao gồm các loài Clonorchis và Opisthorchis) và Fasciolidae (bao gồm các loài Fasciola). Hai họ sán này khác nhau về sự phân bố địa lý, vòng đời và thời gian dài sau khi nhiễm lâm sàng. Nói cách khác, sán lá gan được chia thành hai loại chính là sán lá gan nhỏ và sán lá gan lớn. Nguyên nhân chủ yếu khiến con người nhiễm bệnh sán lá gan là do thói quen ăn uống. Sử dụng các loại rau mọc dưới nước như rau cần, nhút, cải xoong, rau ôm…, nước có ấu trùng sán, chưa nấu chín. Môi trường nước là điều kiện lý tưởng để trứng sán phát triển thành ấu trùng và sán trưởng thành để gây bệnh.
Sán lá gan khi vào người sẽ đi khắp cơ thể, đi xuyên qua mạch máu, vào ổ bụng. Từ ổ bụng, sán xuyên qua bao gan để vào gan sinh sống làm tổn thương nhu mô gan. Ngoài ra, sở thích ăn tiết canh, nem chạo, đồ tái kể cả thịt, cá, tôm, ốc…, do vệ sinh kém, phóng uế bừa bãi, vứt bỏ chất thải chưa được xử lý ra môi trường… cũng là những nguyên nhân khiến sán có điều kiện sinh sôi, xâm nhập vào cơ thể và gây hại cho con người theo cơ chế từ dạ dày, xuống tá tràng rồi ngược theo đường mật lên gan, sau đó phát triển thành sán lá gan trưởng thành ký sinh và sinh sản trong đường mật.
Bản thân bệnh này không gây tử vong nhưng trong một số ít trường hợp, nhiễm trùng có thể dẫn đến các biến chứng nặng hơn như nhiễm trùng hệ thống mật, hình thành sỏi và ung thư ống mật. Ung thư đường mật là biến chứng nghiêm trọng nhất có thể phát triển do nhiễm sán lá gan. Việc phát hiện sớm tình trạng nhiễm sán lá gan là cần thiết để ngăn chặn các biến chứng phát sinh. Ở những vùng lưu hành bệnh, xét nghiệm sàng lọc rất hữu ích.
2. Triệu chứng
Trong thời gian ngắn, nhiễm sán lá gan có thể gây ra các triệu chứng như: đau bụng, sốt, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, phát ban, khó chịu, giảm sự thèm ăn và giảm cân. Ngoài ra còn có một số biến chứng hiếm gặp như hình thành sỏi, nhiễm trùng tái phát ở hệ thống mật và ung thư đường mật (ung thư ống mật).
Vòng đời của sán lá gan có thể tồn tại trong ống mật nhỏ và sống ở đó từ 20 đến 30 năm gây viêm ống mật mãn tính kéo dài. Bốn đến sáu tháng sau khi chúng định cư trong ống mật, sán trưởng thành bắt đầu sản xuất trứng, sau đó được thải vào ruột.
3. Phương pháp chẩn đoán sán lá gan
Có nhiều phương pháp chẩn đoán bệnh sán lá gan như :
- Xét nghiệm sinh hóa máu hay còn gọi là xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán ký sinh trùng hay xác định kháng thể sán lá gan, tức bộ đôi kháng thể IgG và IgE. Nếu cơ thể bị nhiễm sán lá gan lớn thì lượng IgG và IgE luôn tăng. Lượng IgE có thể tăng tới 48% ở người nhiễm sán lá gan.
- Hút dịch tá tràng, xét nghiệm phân trứng để tìm kiếm sự xuất hiện của trứng sán trong dịch tá tràng và phân tuy nhiên, kỹ thuật này không cho ra kết quả cao.
- Xét nghiệm kỹ thuật ELISA hay xét nghiệm miễn dịch hấp phụ gắn men, là xét nghiệm cận lâm sàng nhằm xác định nồng độ kháng thể IgG và IgE, được tiết ra khi cơ thể bị nhiễm sán lá gan.
- Chụp hình ảnh chụp gan, giúp bác sĩ xác định có hay không tình trạng tổn thương tại gan hay ống mật do sán lá gan gây ra.
4. Điều trị & phòng ngừa
Có thể tiêu diệt hoàn toàn sán lá gan bằng :
- Thuốc triclabendazole đường uống, thường với một hoặc hai liều và hầu hết mọi người đều phản ứng tốt với phương pháp điều trị này. Ngoài ra còn dùng một đợt corticosteroid ngắn cho các giai đoạn cấp tính với các triệu chứng nghiêm trọng.
- Phẫu thuật đôi khi được áp dụng với các biến chứng lâu dài liên quan như viêm đường mật (nhiễm trùng ống mật).
- Trị liệu thay thế để điều trị nhiễm ký sinh trùng, cũng như làm sạch ký sinh trùng và rửa ruột.
- Các phương pháp truyền thống. Ví dụ, bạn có thể dùng acetaminophen (Tylenol) để giảm đau bụng và hạ sốt. Thuốc chống buồn nôn có thể làm giảm buồn nôn và nôn.
5. Về phòng ngừa
Nhiễm sán lá gan có thể dễ dàng ngăn ngừa được. Trước tiên, mỗi cá nhân cần đảm bảo vệ sinh ăn uống và xử lý tốt nguồn chất thải. Thực hiện ăn chín, uống sôi, không ăn gỏi cá và các món ăn chế biến từ cá, cua, ốc kên ... nếu chưa được nấu chín hoàn toàn. Không uống nước lã, không ăn gan các loài động vật chưa được nấu chín. Đảm bảo cá nước ngọt và cải xoong được nấu chín kỹ trước khi tiêu thụ là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa nhiễm trùng sán lá gan. Những người đi du lịch đến các khu vực có điều kiện vệ sinh kém chắc chắn nên tránh thực phẩm và nước uống có khả năng bị nhiễm ký sinh trùng.
Tác giả bài viết: BVQT Minh Anh
Ý kiến khác